Diễn biến Trận Giang Lăng (208–209)

Tào Nhân giao tranh với quân tiên phong Giang Đông

Sau trận Xích Bích, Lưu Bị đề nghị Tôn Quyền nên nhân lúc quân Tào mới thua, phải phát động tấn công ngay. Theo ý kiến của Lưu Bị, Chu Du cất quân đánh vào chính diện, còn Lưu Bị theo đường Hạ Thủy phía sau.

Tôn Quyền đóng quân Sài Tang, sai Chu Du cầm vài vạn quân tiền tuyến từ Xích Bích, Ô Lâm tiến đánh Giang Lăng. Lưu Bị, Quan VũTrương Phi mang hơn 1000 quân mã đóng ở bờ nam sông Trường Giang cùng tiến[8].

Chu Du cử vài ngàn quân tiên phong đi trước, tự mình cầm đại quân theo sau. Thấy quân Giang Đông kéo đến, Tào Nhân lập tức tuyển ba trăm người, phái bộ tướng là Ngưu Kim làm chỉ huy, ra đón đánh.

Quân Giang Đông đông hơn, vì thế Ngưu Kim bị vây hãm. Quan Trưởng sử dưới quyền Tào Nhân là Trần Kiều cùng ở trên thành, trông xa thấy Ngưu Kim sắp nguy cấp, cùng các tướng rất lo lắng.

Tào Nhân bảo quân hầu mang ngựa đến, để xông ra giao chiến. Trần Kiều cùng các tướng thấy quân Giang Đông mạnh, níu giữ ông lại, cho rằng có thể thí mạng mấy trăm quân không có gì là nặng. Nhưng Tào Nhân hăng hái không chịu, nhất định mặc áo giáp lên ngựa, dẫn mấy chục quân kỵ mang cờ chỉ huy ra khỏi thành[9].

Trần Kiều và các tướng trên thành cho rằng Tào Nhân nên chống giữ bên hào, để tạo hình thế ứng cứu Ngưu Kim, nhưng ông dẫn quân vượt qua hào tiến thẳng về phía trước, xông vào vòng vây của quân Giang Đông. Nhờ sự dũng mãnh của Tào Nhân, quân Tào đánh thốc vào trận phá được vây, Ngưu Kim được giải thoát. Nhưng vẫn còn nhiều binh sĩ ở lại chưa ra được, Tào Nhân bèn quay trở lại đột phá, giết được mấy chục người bên quân Giang Đông, đưa hết binh của Ngưu Kim ra. Quân Giang Đông không chống nổi, phải lui về[9].

Tào Nhân thu quân về, Trần Kiều và các tướng đều vô cùng khâm phục tài năng của ông.

Chu Du, Lưu Bị giáp công

Chu Du mang đại quân đến, cùng các tướng sĩ tác chiến suốt mấy tháng nhưng không thể hạ được thành. Tào Nhân kiên cường chống trả trước các đợt tấn công của quân Ngô. Trong lúc Chu Du chưa tìm ra cách phá thành, Tào Nhân tổ chức đột kích ra ngoài. Quân Giang Đông mấy lần bị tấn công bất ngờ, tổn hại khá nhiều binh sĩ[10].

Cam Ninh hiến kế với Chu Du, hãy đánh thành Di Lăng bên cạnh để cô lập Giang Lăng, thu hút sự chú ý của Tào Nhân và Từ Hoảng sang đó. Chu Du đồng tình, bèn sai Cam Ninh mang quân đi đánh. Quân Tào trong thành yếu ớt, Cam Ninh nhanh chóng đánh chiếm được thành Di Lăng[11].

Chu Du theo đề nghị của Lưu Bị, để Trương Phi đem 1000 quân theo Chu Du cùng tác chiến tại Giang Lăng, đổi lại Chu Du phái 2000 quân tăng cường cho Lưu Bị cùng theo đường Hạ Thủy cắt đứt phía sau của Tào Nhân[12].

Nghe tin Di Lăng mất, Tào Nhân phái 5000 quân tới đánh chiếm lại Di Lăng. Cam Ninh chỉ có vài trăm quân và 1000 dân trong thành. Quân Tào dựng lên nhiều chòi cao bắn vào thành. Quân Ngô sợ hãi, chỉ có Cam Ninh vẫn bình tĩnh chống trả và sai người đi cầu cứu Chu Du[13].

Theo lời Lã Mông, Chu Du chia một nửa quân cho Lăng Thống ở lại Giang Lăng vây áp Tào Nhân, tự mình mang quân tới giải vây thành Di Lăng. Chu Du kéo tới đánh bại quân Tào đang vây bức Di Lăng, giải vây cho Cam Ninh.

Quan Vũ theo lệnh biệt phái của Lưu Bị và Chu Du, mang quân lên đường lên bắc, cắt đứt đường rút lui của Tào Nhân. Lúc đó Thái thú Nhữ Nam là Lý Thông dưới quyền Tào Tháo phát hiện, bèn dẫn quân ra đánh Quan Vũ. Quan Vũ thúc quân bủa vây. Lý Thông và các tướng sĩ xuống ngựa nhổ hết chông chà, xông vào vòng vây của Quan Vũ, vừa đánh vừa tiến lên, cuối cùng phá được vây, đánh lui được Quan Vũ, khiến đường nối phía bắc với Giang Lăng của quân Tào được thông suốt[14].

Tào Nhân rút lui

Tào Nhân tiếp tục cố thủ trong thành Giang Lăng. Chu Du, Cam NinhLăng Thống đóng quân ở Giang Hạ và phụ cận Giang Lăng, tấn công ác liệt nhiều lần không có kết quả. Trong một đợt tấn công lên thành, Chu Du bị trúng tên của quân Tào, bị thương ở mạng sườn[10]. Để cổ vũ tinh thần quân sĩ, ông gắng gượng chống gậy đứng dậy chỉ huy quân sĩ.

Tào Nhân nghe tin Chu Du bị thương, bèn mang quân tới đánh, nhưng thấy quân Ngô vẫn phòng thủ vững vàng, phải lui binh.

Hai bên giao tranh suốt 1 năm không phân thắng bại. Lưu Bị điều Quan Vũ về nam, phối hợp với Gia Cát LượngTriệu Vân tấn công, lần lượt đánh chiếm và thu hàng các quận Trường Sa (长沙), Quế Dương (桂阳), Vũ Lăng (武陵) và Linh Lăng (零陵), phát triển thế lực của Lưu Bị về phía nam Kinh châu[15]. Trong khi đó, Tôn Quyền cũng khởi đại quân từ Sài Tang tấn công vào Hợp Phì.

Tháng chạp năm 209, sự vây bức ngày càng ác liệt của quân Giang Đông khiến quân Tào tổn thất thảm trọng, Tào Tháo bèn lệnh cho Tào Nhân bỏ thành Giang Lăng rút về Tương Dương. Tào NhânTừ Hoảng theo lệnh, bèn rút hết quân sĩ về Tương Dương là trị sở Kinh châu cũ của Lưu Biểu, thiết lập và chỉnh đốn phòng tuyến mới[10].

Chu Du thúc quân vào chiếm đóng Giang Lăng và các huyện phụ cận.